Văn hóa Madagascar

Bài chi tiết: Văn hóa Madagascar

Mỗi một trong nhiều phân nhóm dân tộc tại Madagascar gắn bó với các đức tin, thói quen và cách thức sinh hoạt riêng của họ, là những thứ về mặt lịch sử đã góp phần vào đặc tính độc đáo của họ. Tuy nhiên, có một số đặc điểm văn hóa cốt lõi trở nên phổ biến trên khắp đảo, tạo ra một bản sắc văn hóa Malagasy thống nhất mạnh mẽ. Ngoài việc có một ngôn ngữ chung và chia sẻ các đức tin tôn giáo truyền thống xung quanh một thần tạo vật và tôn kính tổ tiên, thế giới quan Malagasy truyền thống còn được định hình bằng các giá trị nhấn mạnh fihavanana (đoàn kết), vintana (vận mệnh), tody (nghiệp), và Hasina, một lực lượng sinh mệnh thần thánh mà các cộng đồng truyền thống hết sức tin tưởng và do đó hợp pháp hóa các cá nhân có uy quyền trong cộng đồng và gia đình. Các yếu tố văn hóa khác thường thấy trên khắp đảo gồm có tiến hành cắt bao quy đầu của nam giới, các mối quan hệ họ hàng vững chắc, đức tin phổ biến về sức mạnh ma thuật, thầy chiêm bốc, chiêm tinh, và phù thủy; và một sự phân chia theo truyền thống về các tầng lớp xã hội thành quý tộc, thường dân, và nô lệ.[17][124] Mặc dù đẳng cấp xã hội không còn được công nhận về pháp lý, song nguồn gốc đẳng cấp của tổ tiên tiếp tục ảnh hưởng đến địa vị xã hội, cơ hội kinh tế và các vai trò trong cộng đồng.[128] Người Malagasy có truyền thống tham vấn Mpanandro ("ông tạo ngày") để xác định ngày tốt nhất cho các sự kiện quan trọng như hôn lễ hoặc famadihana, theo một hệ thống chiêm tinh truyền thống do người Ả Rập đưa đến. Tương tự như vậy, các quý tộc trong nhiều cộng đồng Malagasy vào thời kỳ tiền thuộc địa thường sử dụng các cố vấn được gọi là ombiasy là người Antemoro ở đông nam, là nhóm người có tổ tiên là những người Ả Rập định cư ban đầu.[129]

Nguồn gốc đa dạng của văn hóa Malagasy được thể hiện rõ trong các biểu hiện hữu hình. Nhạc khí điển hình của Madagascar là valiha, là một đàn tranh ống tre do những người định cư ban đầu từ nam bộ Borneo đưa đến Madagascar, và rất tương đồng với các dạng được tìm thấy tại Indonesia và Philippines ngày nay.[130] Nhà truyền thống tại Madagascar cũng tương tự như tại nam bộ Borneo về tính tượng trưng và xây dựng, có bố cục hình chữ nhật với một vòm mái có chóp nhọn và cột chống trung tâm.[131] Phản ánh sự phổ biến của tôn kính tổ tiên, các mộ có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa và có xu hướng xây dựng bằng các vật liệu bền hơn, thường là đá, và biểu thị trang trí phức tạp hơn so với nhà của người còn sống.[132] Việc sản xuất và dệt lụa có thể truy nguyên từ những người định cư sớm nhất trên đảo, và quốc phục của Madagascar là lamba đã phát triển thành một nghệ thuật đa dạng và tinh tế.[133] Ảnh hưởng của văn hóa Đông Nam Á cũng thể hiện rõ trong ẩm thực Malagasy, trong đó gạo được tiêu thụ trong mọi bữa ăn, thường kèm với món rau hoặc thịt.[134] Ảnh hưởng của đại lục châu Phi được thể hiện qua tầm quan trọng thiêng liêng của bò zebu và hiện thân của nó thể hiện sự giàu có của chủ sở hữu. Trộm cắp gia súc ban đầu là một nghi lễ thành niên của thanh niên tại các khu vực đồng bằng của Madagascar, là nơi có các đàn gia súc lớn, song hiện trở nên nguy hiểm và đôi khi manh động nên người chăn nuôi tại tây nam bộ phải cố gắng bảo vệ gia súc của họ bằng giáo mác truyền thống trước các kẻ trộm chuyên nghiệp ngày càng được vũ trang.[12]

Nghệ thuật

Một vũ công Hiragasy

Nhiều truyền thống nghệ thuật thính giác phát triển tại Madagascar. Một trong số những truyền thống quan trọng nhất là diễn thuyết, được thể hiện dưới các hình thức hainteny (thơ), kabary (thuyết trình công cộng) và ohabolana (trò chơi tục ngữ).[135][136] Một sử thi minh họa các truyền thống này là Ibonia, được truyền qua nhiều thế kỷ dưới các hình thức khác nhau trên khắp đảo, và cung cấp cái nhìn sâu sắc về các thần thoại và đức tin đa dạng của các cộng đồng Malagasy truyền thống.[137] Truyền thống này tiếp tục trong thế kỷ XX với các nghệ sĩ như Jean-Joseph Rabearivelo, ông được cho là nhà thơ hiện đại đầu tiên của châu Phi,[138]Elie Rajaonarison, một mô phạm của làn sóng mới của thơ Malagasy.[139] Madagascar cũng phát triện một di sản âm nhạc phong phú, thể hiện qua hàng chục thể lại âm nhạc cấp khu vực như salegy ở duyên hải hay hiragasy ở cao địa, tạo không khí sôi nổi trong các cuộc hội họp của làng, sàn nhảy đia phương và các làn sóng quốc gia.[140]

Các nghệ thuật tạo hình cũng phổ biến trên khắp đảo quốc. Ngoài truyền thống dệt lụa và sản xuất lamba, dệt từ sợi cọ sợi và các nguyên liệu thực vật bản địa khác được sử dụng để tạo ra các mặt hàng thiết thực được dùng rộng rãi như chiếu sàn, rổ, ví, mũ.[141] Khắc gỗ là một hình thức nghệ thuật phát triển cao, với các phong cách vùng miền riêng biệt thể hiện trong trang trí hàng rào ban công và các yếu tố xây dựng khác. Các thợ chạm tạo ra nhiều loại đồ nội thất và gia dụng, các cột ma aloalo, và các công trình điêu khắc bằng gỗ, nhiều trong số đó được sản xuất để phục vụ thị trường du lịch.[142] Các truyền thống làm đồ gỗ trang trí và chức năng của người Zafimaniry ở cao địa trung tâm được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vào năm 2008.[143]

Trong cộng đồng người Antaimoro, sản xuất giấy gắn hoa và các vật liệu tự nhiên trang trí khác là một truyền thống lâu đời, và bắt đầu là một thị trường của du lịch sinh thái.[142] Thêu và rua được tiến hành bằng tay trong sản xuất y phục, cùng với khăn trải bàn và các sản phẩm dệt khác được bán tại các chợ thủ công nghiệp địa phương.[141] Một lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng các phòng trưng bày mỹ thuật tại Antananarivo, và một số tại các khu vực đô thị khác, giới thiệu tranh của các họa sĩ địa phương, và các sự kiện nghệ thuật thường niên, như triển lãm ngoài trời Hosotra tại thủ đô, góp phần vào sự phát triển tiếp tục của mỹ thuật tại Madagascar.[144]

Thể thao và giải trí

Một số trò tiêu khiển truyền thống nổi bật tại Madagascar. Moraingy là một thể loại võ thuật truyền thống dùng tay, là một môn thể thao có khán giả phổ biến tại khu vực duyên hải. Theo truyền thống thì môn này do nam giới chơi, song nữ giới gần đây cũng bắt đầu tham gia.[145] Đấu vật với bò zebu (tolon-omby) cũng được tiến hành tại nhiều khu vực.[146] Ngoài thể thao, nhiều loại trò chơi cũng tồn tại, điển hình nhất là fanorona, một trò chơi cờ bàn phổ biến khắp các khu vực cao địa. Theo truyền thuyết dân gian, việc kế vị của Andrianjaka theo sau cha Ralambo một phần là do nỗi ám ảnh rằng anh của Andrianjaka có thể do chơi fanorona mà gây tổn hại đến các trách nhiệm khác của ông.[147]

Các trò giải trí của phương Tây được đưa đến Madagascar trong hai thế kỷ qua. Bóng bầu dục được cho là môn thể thao quốc gia của Madagascar.[148] bóng đá cũng phổ biến. Madagascar có một nhà vô địch thế giới trong môn bi sắt, trò chơi này được chơi rộng rãi tại các khu vực đô thị và trên khắp các vùng cao địa.[149] Các chương trình thể dục trong trường học thường gồm có bóng đá, điền kinh, judo, quyền Anh, bóng rổ nữ và quần vợt nữ. Madagascar cử các vận động viên đầu tiên tham gia Thế vận hội vào năm 1964 và cũng tham gia Đại hội thể thao Toàn Phi.[52]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Madagascar http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003453.php http://www.bbc.com/news/world-africa-25588324 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/355562/M... http://www.floridata.com/ref/R/rave_mad.cfm http://abcnews.go.com/Technology/wireStory?id=1129... http://books.google.com/?id=I_S1D8cnTiEC&pg=PT19 http://books.google.com/?id=Mpsc2hsYk1YC&printsec=... http://books.google.com/?id=gvREAAAAIAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=nPoGAAAAQAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=owU3-pCIvyYC&printsec=...